Hoàng Kim Anh Tú
Chào các bạn!
Đối với một người đã chạy lâu năm hoặc đang bắt đầu tìm hiểu về
bộ môn chạy bộ thì các câu hỏi về giày chạy rất thường xuyên xuất hiện và có những dạng như sau:
- Chạy bộ có cần giày TỐT không?
- Giày nào phù hợp với mình?
- Thương hiệu giày nào là ngon?
- Giày đi bộ, đi rừng khác với Giày chạy như thế nào?
- Bảo quản giày như thế nào?
Thông qua bài viết nho nhỏ này, mình cũng tổng hợp một số kiến thức với hi vọng có thể trả lời một phần nào các thắc mắc để các bạn có thể lựa chọn một đôi giày “chiến” và sẵn sàng chinh phục những con đường phía trước.
Điều đầu tiên mình muốn khẳng định là một đôi giày chạy tốt rất quan trọng. Nó sẽ là người bạn đồng hành cùng bạn trong 1000 km hoặc hơn nữa, bảo vệ bạn khỏi chấn thương, và giúp bạn đạt kết quả chạy bộ tốt hơn.
Các yếu tố cần quan tâm khi chọn giày chạy
Chạy bộ là một môn thể thao đơn giản nhưng thực sự không đơn giản bởi vì rất khó để mà
chạy bộ đúng cách. Hãy hình dung thế này: mỗi phút bạn chạy cần trung bình 180 bước chân đáp xuống đường. Ví dụ như bạn chạy 10 Km trong 60 phút, số đáp chân của bạn trong 10 Km là: 10,800 lần. Rất nhiều đúng không? Có thể nói đôi giày chạy là điều đầu tiên bạn cần nghĩ tới khi muốn theo đuổi bộ môn chạy bộ đường trường.
Mình chia ra hai nhóm yếu tố để lựa chọn:
Yếu tố chính
- Giới tính: dầu gội của nữ cũng khác nam mà huống gì là giày
- Cân nặng: bạn càng nặng thì phản lực của bạn xuống đường càng nhiều, do vậy cần để ý.
- Kích cỡ chân, độ rộng
- Loại đường chạy: đường nhựa, đường đất, đường đá, beton, cát, cỏ,…
- Độ bè của bàn chân.
- Cấu tạo lòng bàn chân
- Sự lệch cổ chân khi tiếp xúc với bề mặt
- Cách đáp chân (tiếp xúc của chân với mặt đường)
Mình sẽ đi sâu vào 3 yếu tố cuối nhé.
Yếu tố phụ
Bạn cũng cần cân nhắc khi bạn lựa chọn mua một đôi giày
- Thời gian tập luyện trong tuần: một buổi hay tất cả các ngày.
- Lịch sử chấn thương
- Kinh nghiệm chạy
- Vận tốc chạy của bạn: chạy bền hay chạy nhanh?
- Mục đích chạy: giảm cân khác với marathon
…
Mình sẽ nói rõ hơn về một số yếu tố quan trọng nhé.
a. Cấu tạo lòng bàn chân
Bàn chân của mỗi người trên quả đất này may mắn cũng có thể gom lại được 3 kiểu hình như sau:
- Chân gồ, hay chân vòm cao (high-arch)
- Chân bình thường (medium arch)
- Chân phẳng (low arch, hay flat foot)
Cách nhận biết rất đơn giản là khi chân bạn đang ướt bạn in lên trên một tờ giấy khô hoặc nên nhà là nhận ra liền (wet test)
3 dạng lòng bàn chân
b. Lệch cổ chân khi tiếp xúc với bề mặt
Do cấu tạo lòng bàn chân có 3 kiểu nên sẽ có 3 kiểu lệch khác khau khi tiếp xúc với bề mặt đường. Sẽ có một số ngoại lệ nhưng chung quy là:
- Chân gồ: có xu hướng đáp ngoài (under-pronation, supination)
- Chân bình thường: có xu hướng đáp chinh diện (normal pronation)
- Chân phẳng: có xu hướng đáp lệch trong (over-pronation)
Các bạn xem hình (chân trái) để có thể hiểu rõ hơn.
Lệch cổ chân khi tiếp đất
Khi các bạn xác định được kiểu của lòng bàn chân và độ lệch của chân thì các hang giãy sẽ phục vụ các bạn với các dòng sản phẩm với tên gọi như sau (mình giữ nguyên tiếng Anh đi vì không biết dịch thế nào cho hay cả)
- Chân gồ: có xu hướng đáp ngoài => giày NEUTRAL
- Chân bình thường: có xu hướng đáp chinh diện (thẳng) => giày STABILITY
- Chân phẳng: có xu hướng đáp lệch trong => giày MOTION CONTROL.
Cấu tạo vòm chân và tư thế cổ chân khi tiếp đất
Đấy, nên khi các bạn vào các cửa hàng giày và gọi cô nhân viên bán hàng “Cho anh một đôi Stability nha” thì các bạn đã có thể biết chân mình thế nào rồi.
Tuy nhiên, đó mới là lí thuyết nhé các bạn. Người viết cũng từng ứng dụng cho đôi giày chạy đầu tiên và sai bét. Số là mua một đôi giày Stability (hợp với lòng bàn chân) nhưng mang vào bị cộm ở phần đệm của vòm chân. Sau đó mới biết là giày đó là Stability nhưng thuộc Max Support và có xu hướng dành cho những người chân phẳng (mang giày Motion Control).
Bảng dưới này có thể cho các bạn biết chi tiết hơn về kiểu giày để các bạn lựa chọn. Kinh nghiệm của mình là chân Stability (Support) thì mình chọn từ Mod (Neutral) đến Mod (Support). Còn như bạn là chân Neutral thì có thể chọn giày từ Min – Mod.
c. Cách đáp chân và độ dốc gót-mũi
Hình vẽ dưới đây có thể giúp bạn biết mình đang đáp như thế nào.
Thông thường, các bạn mới tập có xu hướng đáp gót nhiều hơn. Do vậy, trong thời gian đầu chọn giày các bạn cũng cần quan tâm đến độ dốc gót-mũi (heel-to-toe drop). Đây là chỉ số phản ánh độ dày-mỏng của đế. Nói nôm na là chỉ số này càng cao thì giày có độ đệm, độ bổ trợ càng tốt và phù hợp với những bạn mới tập chạy. Còn các anh em lâu năm sẽ có thể khoái các món đồ chơi với tiêu chí mỏng, nhẹ và dễ tạo cảm giác “thật chân” hơn.
Ví dụ như đôi giày mà độ dốc gót-mũi là 10 mm thì sẽ có đế dày hơn, chạy êm chân hơn đôi giày độ dốc 2 mm. Tuy nhiên độ dốc cao thì khi chạy bạn sẽ có khả năng tiếp đất bằng gót cao hơn. Với loại giày heel-to-toe drop lớn, để tiếp đất bằng phần giữa bàn chân bạn cần đổ người ra trước khá nhiều khi chạy.
e. Kích cỡ giày
Nguyên tắc chung là giày chạy bộ nên có cỡ lớn hơn giày bình thường từ 0,5-1 size, để tạo cảm giác thoải mái tối đa khi chạy, tránh bị phồng rộp chân. Việc lựa chọn size giày cũng phải lưu ý vì mỗi hãng sẽ có một hệ thống size khác nhau. Các bạn cần đo đạc cẩn thận để tránh mua phải đôi giày chật. Một số típ dành cho các bạn khi thử giày tại các cửa hàng nhé: (1) mang vớ khi thử giày (2) mang vào cả hai chân (3) chân thuận có dư ra so với mũi giày 1-2cm (4) đi lại, chạy nhảy trong cửa hàng để đảm bảo đôi giày thực sự ưng ý.
Một lưu ý nữa khi các bạn chọn giày thì để ý ĐỘ RỘNG của bàn chân. Nếu bạn có bàn chân to, bè ngang thì việc mang một đôi giày không hợp sẽ rất khó chịu. Các bạn có thể tham khảo các thông số như sau. Người Việt mình mang 2E (nam) và D (nữ) là khiếp lắm rồi.
Các loại giày dành cho bạn
Nói về giày chạy bộ thôi nhé thì hiện tại có cơ man nào là nhãn hàng để phục vụ cho dân chạy chúng mình. Có một số hãng thì chuyên về chạy, có hãng thì chuyên về chạy mà phải là chạy Trail cơ. Có hãng gần 100 năm như New Balance hoặc chỉ hơn chục năm như Under Armour.
Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các hãng giày được ưa chuộng nhất là Asics, Brooks, Mizuno. Sau đó tới Nike, Saucony, Inov-8, Adidas, Sketcher, Salomon…
Với chừng đó thôi thì chúng ta sẽ “ngợp” trước khi ra một quyết định mua hàng. Do vậy, mình tạm thời chia nhỏ các dòng sau để mọi người có thể hình dung:
- Giày chạy đường phố (đường nhựa, đường bê tông): cái này thì nhiều nhé
- Giày chạy đường rừng, núi (trail): dành cho người nào thích lang thang trong núi rừng u tịch hoặc băng đồng lội suối.
- Giày chạy máy: dành cho anh chị em thích ở trong phòng lạnh và chạy treadmill
- Giày đế mỏng (minimal): mới ra khoảng 10 năm nay nhưng vẫn còn hót
- Giày đế lớn (maximal): đối lập với minimal
- Giày track and field: dành cho cho các bạn tập ở sân vận động như kiểu Micheal Johnson hoặc Usain Bolt nhé
Bảo quản giày
Sau khi rinh được cô nàng giày xinh xắn thì các bạn cũng nên ngâm cứu chút ít để giúp em nó luôn long lanh nhé. Một số típ như sau:
- Giặt bằng xà phòng nhẹ: dầu gội, sữa tắm
- Không phơi trực tiếp trước nắng mà để khô tự nhiên
- Lấy Insole ra khỏi Giày sau khi chạy
- Làm sạch bụi hoặc bùn bằng bàn chải sau khi chạy.
- Khi mang giày vào, tránh đạp gập phần gót (heel tab)
Tham Khảo
Các bạn có thể tham khảo trên các trang web sau để có một cái nhìn rộng hơn
Mizuno: myprecisionfit.com
Asics: myasics.co.uk
http://www.runnersworld.com/shoe-finder/shoe-advisor
www.theathletesfoot.com.au/footwear-finder.
CHÚC CÁC BẠN LỰA CHỌN ĐƯỢC MỘT ĐÔI GIÀY THẬT LÀ ƯNG Ý
Bài viết được đăng trên chay365.com. :)