Chào các bạn,
Lâu lâu ém hàng tung ra một bài dài dài tí chơi. Lần trước là Bài hướng dẫn mua Giày chạy bộ rồi thì thiết nghĩ cũng cần có một Bài hướng dẫn mua Xe, nhất là xe Triathlon. Trước khi đi sâu hơn thì mình cũng đã có một số bài nói sơ qua về việc này trên Blog như sau:
|
Lựa chọn Mua xe thiệt là đau cái đầu :) |
- Xe Tri khác với Xe Road ở điểm nào?
- Các trang web để tính (tương đối) size xe.
1. Tổng quan về thị trường xe Tri ở Việt Nam.
Có thể nói xe đạp giờ đã có thể gọi là Bùng nổ ở cái đất nước chữ S này với đầy đủ chủng loại và các Cửa hàng. Tuy nhiên xe Tri thì có thể nói là rất hữu hạn vì (1) người chơi không có (2) giá cao hơn (3) tính tiện lợi. Các cửa hàng chỉ thuần túy nhập về các xe với các dòng cũ có thể mua được trên Ebay rồi giữ lại làm trang trí, thỉnh thoảng ông chủ lấy ra đạp chút ít đổi gió hoặc vài ba năm bán được cho một ông Khách hàng nào cũng cao hứng kiểu như vậy. Các cửa hàng có này dạo một vòng trên các diễn đàn xe đạp thì có thể thấy vẫn chủ yếu ở cánh nam như Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng, với số lượng bán (còn tồn) chắc chỉ khoảng 10 chiếc đổ lại.
Việc mua xe chắc nhiều người cũng đã biết là cái món sẽ ngốn nhiều tiền nhất khi đã quyết định tham gia vào Bộ môn này. Do đã ngốn tiền nhất nên thông thường chúng ta sẽ cân nhắc nhiều nhất để giảm thiểu các điều không mong muốn đến từ con chiến mã. Mà khi đã cân nhắc nhiều thì xu hướng của chúng ta là được sờ tận tay, day tận lốp để xem em nó mềm cứng như thế nào, hàng có khít hay không, đại loại vậy :). Các bác nào muốn mua hàng trên mạng thì có thể xem Bài này tham khảo chút đỉnh trước khi bấm nút Check out trên Amazon nhé. Mà nói thật khi các bạn nào quyết định mua thì gần như chắc chắn là bạn đã đặt một chân vào thế giới Ironman rồi đó. Hehe. Một thế giới gian khổ nhưng sẽ không vô bổ. :))
2. Thương hiệu nào nằm trong tầm ngắm của bạn.
Đợt thi Ironman 70.3 ở Đà Nẵng vừa rồi chắc là nhiều bạn trong đó cả tôi bị "choáng ngợp" vì các con siêu xe đổ bộ vào. Tuy nhiên nếu tĩnh tâm ngồi xét lại thì cũng sẽ có rất nhiều em xe nhìn hiền lành và thậm chí có rất nhiều xe Tri có sản xuất gần chục năm về trước. Các hãng sản xuất xe Tri bây giờ cũng phân ra nhiều phân khúc khác nhau cho nhiều người lựa chọn. Xin được phép điểm qua như sau:
A. Dòng xe cơ bản - Entry Level. Giá nằm từ 1K - 2K thường khung bằng nhôm và được sản xuất từ khoảng năm 2010 - 2012. Dưới đây là Tên hãng xe - dòng xe để anh em ngâm cứu.
- Fuji Norcom Straight 2.1
- Cervelo P1, P2
- Cannondale Slice 2, 3.
- Giant Trinity, Aeryn.
- Argon 18 E18
- Felt series B16, S22.
- Trek Speed Concept 2.5
- Specialized Shiv A1 Apex hoặc Transition Elite AL.
- Kestrel Talon.
|
Xin nhá hàng con xe của em. |
B. Dòng xe trung cấp. Giá tất nhiên cao hơn chút đỉnh từ 2K-5K với khung bằng Carbon. Groupset cũng đã có thể từ Ultegra hoặc Rival trở lên rồi. Các dòng xe như sau:
- Giant Trinity Composite (con xe này có gióng yên thẳng đứng)
- Argon 18 E112 hoặc E116
- Cannondale Slice 5
- Cervelo P3.
- Scott Plasma 10.
- Trek Speed Concept 7.
- Specialized Shiv Mid-Compact hoặc Transition Comp.
- Focus Izalco Chrono 3.0.
|
Con xe em đang khoái. |
C. Dòng cao cấp. Hai zà, cái này thì tui chưa được thử nên cũng chỉ bó tay. Chỉ biết nhìn sơ qua thiết kế, cặp bánh và Groupset là mình đã chạy dài rồi. Trong các phần sau tôi sẽ nói rõ hơn.
|
Và đã mơ thì mơ cho lớn luôn. 14K chưa bao ship, haiza |
3. Kích cỡ xe
Tương tự như Giày chạy, mỗi hãng xe đều có một quy cách size riêng. Sự khác biệt là có nhưng thực sự không lớn lắm. Thông số của xe thông thường để xác định size đó là thanh Gióng ngang, được đo từ cốt yên đến ghi đông (Top tube). Gióng ngang thường sẽ tỉ lệ thuận với chiều cao tổng và chiều cao háng (Inseam) của mỗi người. Các bạn có thể tham khảo.
|
Bảng tra Chiều cao - Size sườn |
Lưu ý:
- Sự khác biệt của mỗi hàng ở đây như sau. Cùng size S có hãng sẽ ghi 51 hoặc 53. Do đó nên mua xe, bạn nên chú ý vào số ghi thể hiện trong Geometry của xe sẽ rõ hơn. Nhiều xe sẽ không có số trên khung.
- Nên chọn nhỏ hơn một size để có thể nâng cao cốt yên lên thì sẽ đẹp hơn và tạo độ đổ người hơn.
- Ở Việt Nam thì các size to cỡ như L (dành cho người người 1.8m) sẽ rất khó bán nếu có ý định nâng cấp, vậy nên bạn nào cao cỡ như tôi nên chọn size M là đẹp.
4. Bánh xe.
Xét về mặt kích cỡ thì trên các trang Web thường hay kí hiệu bánh 700 hoặc 650, lưu ý với mọi người đây không phải là đường kính nhé. Đường kính tương ứng sẽ là 622mm và 571mm.
Vậy bánh xe to có phải nhanh hơn không, không hoàn toàn đúng. Bánh 650 chỉ phù hợp với những khung xe nhỏ dưới 47cm và tất nhiên là những người thấp. Bánh xe 650c giờ có giá rẻ hơn rất nhiều lần so với bánh 700c nên cũng có thể là sự lựa chọn tốt nhưng sẽ khó nâng cấp được.
Khi lựa chọn Bánh xe thì yếu tố Nhẹ và Lướt được quan tâm khá nhiều. Nhẹ thì lại liên quan đến vật liệu, số lượng Tăm (Spokes) điểm qua thì có các loại Bánh như sau:
- Bánh Carbon hoàn toàn bao gồm luôn cả phần má phanh, thông thường đây là Bánh rất đắt, giá bán mới thường trên 2000K.
- Bánh Carbon má nhôm (phần má phanh làm bằng nhôm), nặng hơn chút xíu nhưng giá cả tất nhiên cũng mềm hơn.
- Bánh Nhôm: toàn bộ Bánh được làm bằng nhôm, số lượng tăm trên mỗi bánh sẽ nhiều hơn nên làm trọng lượng Bánh tăng lên.
|
Ba loại bánh đại diện 3 cái nhé. |
Một yếu tố nữa trong chọn Bánh cho xe Tri là chiều cao của Niềng (Rim). Niềng càng cao thì tất nhiên giá thành càng lớn. Bạn có thể thấy một số VDV thường hay sử dụng lốp sau dạng đĩa, tuy nhiên tùy thuộc vào cuộc đua để có thể sử dụng được hay không. (Kona là không cho sử dụng nhé). Các VDV thường có xu hướng chọn bánh sau có niềng cao hơn bánh trước hoặc chí ít là tương đương nhau. Niềng thường thể hiện bằng số (gần đúng) có mặt trong mỗi dòng bánh khi bán. Ví dụ: Zipp 808 - niềng cao 80cm, Reynolds 66 - niềng cao 66cm hay Visions 90 - cao 90cm.
Loại bánh: sẽ có hai loại Bánh như sau (thực ra có 3 loại cho xe đua nhưng mình kể hai loại chính), đây là cái cần biết để mua lốp tương ứng:
- Bánh Clincher (hay bánh vỏ ruột): nói nôm na là bánh này dùng cho lốp với ruột có thể thay thế độc lập. Khi bạn bị lủng lốp thì chỉ cần vá xăm và đi như bình thường.
- Bánh Tubular (bánh liền ruột, ở mình hay gọi là bánh Bô dô, đọc từ tiếng Pháp Boyeaux): theo dân trong nghề nói thì đi bánh Tubular lướt sướng hơn so với Clincher.
Thế giới của các Nhà sản xuất Bánh xe còn nhiều hơn cả xe đạp nữa. Tạm thời có thể phân ra những tên tuổi lớn như sau:
- Hàng cao cấp: Zipp, Enve, HED, Corima, Reynolds, Lightweight, Shimano, Campagnolo....
- Hàng trung cấp: American Classic, 3T, Sram, Ursus Miura, Visions, Fulcrum, Easton,...
- Hàng Bình dân: Felt, Giant (hàng đi theo xe), Flo, PlanetX, Oval Concepts,...
|
Thế giới Bánh xe thiệt là đau cái đầu. :( |
5. Groupset
Dịch tạm ra là hệ cơ của cái xe, giúp cái xe di chuyển, thẳng lại. Một bộ Groupset thường rất nhiều các thành phần, có thể kể ra sơ sơ là giò, dĩa, líp, sang số, bộ ngàm thắng, sên,... Hiện tại ai cũng biết là trên thị trường có Ba hãng chính là Campagnolo, Shimano và Sram. Nhìn sơ qua các Pros trong 3 môn phối hợp thì có vẻ thấy họ xài Sram nhiều nhất. Shimano thì tương đối bình dân và Campy thì chắc dành cho Đại gia hoặc người hoài cổ. Mỗi ông một thế mạnh và có nguyên một chuỗi tên các thương hiệu con dành cho các dòng Groupset của mình. Liệt kê như sau và chất lượng giảm dần.
|
Không tìm thấy cái hình nào có 3 ông oánh nhau nên xài tạm hai ông vậy. |
- Campanoglo: Super Record> Record> Chorus> Daytona> Veloce và Mirage. Trong xe Tri thì ông này tập trung vào 3 thằng đầu.
- Shimano: Dura Ace, Ultegra, 105, Tiagra, Sora. Xe tri cũng chỉ áp dụng 3 ông đầu. Shimano đang nhanh nhạy hơn khi ứng dụng cái DI2 (gọi là đề điện) khác với các đề cơ đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
- Sram: Red, Force, Rival, Apex,
Các bạn có thể đọc chi tiết ở các link trên nhé. Duy chỉ lưu ý là xe Tri không có tay lắc mà được thay bằng tay gạt đề (được gắn ở đỉnh của AeroBar).
|
Khác cái oánh dấu tròn. Đang máu bộ Sram Red này nên anh em thông cảm Promote nó hơi nhiều. |
Ah, trong Groupset còn một thông số mà hay thể hiện đó là 11sp hay 10sp hay 9sp. Sp đây là viết tắt của chữ Speed, cũng có nghĩa là số tầng của cái dĩa (11sp là 11 dĩa) được gắn vào cốt líp của Bánh sau. 11sp đang là mẫu mới nhất mà 3 ông lớn ông nào cũng đã có xuất hiện ngoài thị trường.
Trong mỗi xe khi ở trên mạng, nhà sản xuất luôn ghi rõ từng thành phần, đặc tính kĩ thuật của mỗi loại trên phần Specification nên thành ra rất an tâm mà mua nhé. Còn ở Việt Nam thì thế giới phụ tùng của chúng ta thật sự rất khó để có thể an tâm mua sắm. Cái này các bạn phải tự ra quyết định.
6. Các món đồ chơi khác
Sau khi đã quyết định chọn được một con xe với nhãn hiệu và túi tiền ưng ý rồi với ba thành phần chính là Khung sườn, Bánh xe, Groupset thì chúng ta chỉ cần để ý thêm vài món nho nhỏ cũng cần quan tâm hoặc bạn nào đã có thì cần nâng cấp:
- Yên xe: yên của xe Tri thường dày hơn và êm hơn so với xe Road nhé
- Ghi đông: xe Tri nhìn Ghi đông là biết liền. Thông thường độ rộng của Ghi đông là 42cm tính từ mép ngoài
- Pedal: do sử dụng giày có cleat nên thường phải có Pedal riêng. Cái này thông thường mua xe mới sẽ không có Pedal nhé. Bạn mua ngoài thì loại rẻ như Shimano SPD khoảng 800-1000K cho một cặp, đắt hơn thì có Shimano 105, Ultegra hay Look của Pháp.
- Gọng để bình nước, đồng hồ gắn trên xe,....
Nói chung xe đạp là món tốn tiền và rất nhiều món hàng lỉnh kỉnh. Kinh nghiệm mua hàng của mình là nên ngâm cứu kĩ, đọc review và trao đổi với anh em chơi xe tại thành phố khu vực mình đang sống.
Tóm lại: với ngân sách đủ mua một chiếc xe máy 30 củ (cộng trừ 5 củ) trong tay, bạn sẽ có một con xe như sau: xe khung nhôm, phuộc Carbon, bánh Carbon má nhôm Rim cao từ 5cm trở xuống và Group đồ cỡ Shimano 105 hoặc Sram Rival hoặc Apex nhé.
- Ngân sách cỡ tầm 50 củ bạn có thể xênh xang làm một chiếc sườn Carbon cùng cặp bánh Carbon và có thể đồ chơi của bạn là Ultegra của Shimano rồi.
Chúc các bạn may mắn khi kiếm một chú xe ưng ý để rong ruổi trên các nẻo đường.