Tôi biết bơi cũng đã lâu và có thể nhận thấy số lượng người biết bơi (giỏi) là rất rất ít. Thời gian này, tôi có thể thấy việc tập luyện thể thao cho từng cá nhân đang được mọi người đầu tư nhiều hơn trước rất nhiều. Ai ai cũng muốn khỏe mạnh, tươi vui, giảm đi những áp lực căng thẳng của công việc thế nên mọi người lựa chọn hoặc đi phượt, chạy bộ, tập gym. Tôi cũng vậy, tôi cũng dành thời gian khá nhiều cho thể thao cũng không khác những lí do trên. Có khác chăng là tôi muốn đẩy đến tận cùng bằng khả năng của mình trong những bộ môn mà tôi theo đuổi.
Các giải thi đấu mang tầm quốc tế cho những bộ môn dành cho cộng đồng đang thực sự đổ bộ nhiều hơn vào Việt Nam. Tháng 5/2015 sẽ có giải 70.3 Ironman tổ chức ở Đà Nẵng khiến tôi khoái chí tợn. Tôi liền lên plan, kêu gọi mọi người tập luyện với tôi cho vui và tôi thấy rất rất nhiều anh em không thể tham gia chỉ vì cái món BƠI, môn đầu tiên trong 3 môn phối hợp.
Vậy, tại sao mọi người lại ngán bơi, cụ thể là bơi tự do (free-style)? Qua bài viết này, tôi cũng xin điểm ra một số điều như sau
Về mặt chủ quan:
Bơi là một môn đặc trưng yêu cầu tính kĩ thuật rất cao do phải vận động trong môi trường nước. Môi trường nước là một môi trường đặc biệt nói theo kiểu bình dân là vừa nâng người lên và dìm người xuống. Ở trong nước việc thở cũng sẽ khác hoàn toàn trên cạn mà bạn cũng biết rằng hơi thở là điều cốt lõi trong tất cả các hoạt động từ nhẹ đến nặng. Có thể bạn rất khỏe nhưng nếu bạn không biết kĩ thuật thì chỉ sau 20m bơi ở bể là người bạn thở hổn hển. Tất cả cũng chỉ là do nước. Nhưng thiệt là xui cho bạn vì nước chiếm 3/4 diện tích quả đất cho nên nếu bạn muốn thoải mái lênh đênh trên khắp 4 đại dương, nổi mình giữa hồ Great Lakes hay lặn mình ngắm cá bên bờ suối thì hãy tập bơi đi nhé.
Về mặt Khách quan:
Tôi thấy nó có vài điểm mà người Việt mình hay có để rồi từ đó ít người theo đuổi môn bơi:
1. Đã biết bơi
Rất nhiều bạn bè tôi từ thời bé tí đã ra tắm sông, vẫy vùng giữa làn nước hay nhảy tỏm từ những cây cầu, nhánh cây nhìn rất thích thú. Lớn lên, họ vẫn vậy. Cái họ biết ở đây là những kĩ thuật được truyền miệng cho nhau với chỉ mục đích duy nhất là đứng được trên mặt nước. Chính cái tâm lí đã biết bơi rồi thì cần gì học thêm hoặc biết bơi rồi nên rất ngại cho khái niệm "học lai một cách có bài bản".
Hồi xưa, tôi có vài lần đi bơi ở sông nhưng thực sự tôi rất sợ, có một lần đám bạn 5 thằng cùng đu bám vào một cái bờ xuy (ở Huế bọn tôi gọi cho cái ruột lốp ô tô tải) rồi cùng ra giữa bờ sông Hương. Tôi chỉ biết kêu khóc mà tay ôm cho chặt với hi vọng phao đừng có chìm. Thật khủng khiếp. Sau đó, tôi cũng theo đám bạn đến cái bể bơi mới khai trương mục đích chỉ để nhìn con gái xuống bể. Cứ thế, cái bể bơi là nơi tôi lui tới và học được cái bơi từ thành ra sợi dây cách 2 m rồi bì bõm bơi vô thành. Thế là tôi đã có thể tự gọi là biết bơi. Cho đến khi...
2. Không theo đuổi đến tận cùng
tôi gặp một anh bơi phải nói là đẹp quá. Anh bơi từ đầu này qua đầu kia của bể. Anh đeo kính, đội nón thật là ngầu. Sau buổi ngâm nước và nhìn gái đã rồi, tôi liền tiến tới anh để hỏi anh chỉ dạy cho mình bơi với.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại hỏi anh, có lẽ tôi bị lôi cuốn của vẻ đẹp của động tác, sự mềm mại, ung dung của món này. Bạn bè tôi thì không ai đoái hoài gì đến. Đối với họ, mục đích là đã đạt được thông qua bì bõm lội nước và hì hục ngụp lặn từ dây vào thành và những thú vui như búng nước (đừng trên vai đứa khác để lộn ra sau). Tôi không dám nói đây là một đặc tính của người Việt chúng ta, nhưng ít nhiều nó cũng làm cho việc tập bơi (là một việc rất khó và khổ) là một điều gì hết sức xa xỉ với đại đa số. Và khi càng nghĩ nó xa xỉ thì thực sự nó là xa xỉ.
3. Sợ nước
Ở trên tôi nói đến một đám bạn tôi còn biết chút đỉnh về bơi thông qua tắm sông. Còn đại bộ phận những người hoàn toàn không biết bơi chỉ vì hai chữ SỢ NƯỚC.
Sợ nước vì (1) bản thân sợ nước vì những chấn động tâm lí liên quan đến nước mà không có người để chữa (2) gia đình cấm cản vì gia đình cũng có những chấn động tương tự (3) xã hội sợ nước vì cũng lí do như trên.
Vì sao như vậy? Vì chúng ta may mắn sống trong một đất nước có rất nhiều sông ngòi, kênh rạch, biển cả. Nhưng than ôi, đó cũng là những thứ ảnh hưởng đến các thế hệ trước khiến họ có một cái nhìn đầy sợ hãi về nước. Đó có thể là những cơn lũ lụt khủng khiếp, đó là những xác chết chết trôi trắng bạch bị mổ xẻ ngay khi được vớt không thương tiếc, đó là kí ức kinh hoàng về những chuyến đi biển không hẹn ngày quay về. Thật đau đớn khi đất nước chúng ta mỗi năm có hàng ngàn người chết đuối chỉ vì không biết bơi. Chúng ta không thể tránh được thiên tai nhưng nếu chúng ta đủ kĩ năng thì có lẽ một nỗi sợ sẽ bị quên đi. Tôi từng ngạc nhiên vì rất nhiều bạn bè tôi có nhà sát biển mà hoàn toàn không biết bơi. Đến giờ thì tôi còn không lạ gì nữa. Đất nước càng giàu tài nguyên thì sẽ càng nghèo.
4. Giáo dục thể chất ở trường học
Mãi những năm sau này, tôi mới thấy các trường học các cấp bắt đầu có bể bơi mà nói thật tôi cũng chỉ thấy các tổ chức bên ngoài liên quan đến bơi tài trợ chứ các bác quản lí thì còn lâu há. Thời của bọn tôi thì làm gì có bể bơi. Nói một cách rộng hơn, bộ môn thể dục là một môn học hoàn toàn để đối phó. Điều này dẫn đến là gì. Quá rõ là đối với những trường không có bể bơi thì học sinh tự lo đi nhé. Còn những trường có bể thì với tư duy đối phó thì tôi không tin tưởng vào chất lượng lắm.
Thêm một điều liên quan đến giáo dục là đội ngũ giảng dạy. Tôi từng chứng kiến một số người gọi là dạy bơi nhưng nói thật sao mà họ bơi xấu thế. Tôi không rõ họ có tìm hiểu về bộ môn họ đang làm việc không hay chỉ dừng lại ở mức độ là dạy cho người đi học biết nổi, bì bà bì bỏm đi được vài ba mét.
Túm lại: phụ huynh, nhà trường và bản thân là những trở ngại lớn nhất để tiếp cận đến vẻ đẹp của bơi lội.
Lấy cảm hứng ư? Bạn cần một tinh thần phóng khoáng, một bản lĩnh thực sự để tách mình ra những định kiến. Hãy xem những video về bơi. Hãy khoan thai thả mình trong làn nước để đánh đi mọi stress, hãy để nước vỗ về ôm ấp và xoa dịu bạn. Thế nhé.