Sau ngày offlines với nhóm, tôi đưa lên Blog các mô tả đường đua mà tôi đã có dịp xông pha trong hai năm qua. Có thể nói, Ban tổ chức đã bố trí một đường đua khá là khoa học nhất là về các check point (CP). Thời gian xuất phát và Cut Off Time (COT) cũng được đánh dấu rất chuẩn. Nguyên bản bài này được làm từ file Power Point, thành ra bạn nào thích các animation thì có thể down ở link cuối bài.
|
Nhìn anh chàng trong logo vậy chứ không phải vậy đâu nghen. :) |
Mục tiêu của bài viết này là tôi đi vào chi tiết khoảng cách giữa các điểm CP. Tôi nhận thấy đoạn đường mỗi CP đều có những nét đặc trưng rất riêng và có những yêu cầu thời gian nhất định. Như đã nói, xin được nhắc lại về các cung đường và thời gian xuất phát như sau.
- 100K: xuất phát 11 giờ đêm, tổng COT: 23 tiếng và lần lượt là
CP103 - COT 6 tiếng (5 giờ sáng) - 34k;
CP3 - COT 12 tiếng (11 giờ trưa) - 60k;
CP5 - COT 16.5 tiếng (3 giờ 30 chiều) - 78K;
CP6 - COT 18.5 tiếng (5 giờ 30 chiều) - 85K;
CP7 - COT 20.5 tiếng (7 giờ 70 tối) - 92K
- 70K: xuất phát 4 giờ sáng, tổng COT: 18 tiếng.
CP3 - COT 7 tiếng (11 giờ trưa) - 30k;
CP5 - COT 11.5 tiếng (3 giờ 30 chiều) - 48K;
CP6 - COT 13.5 tiếng (5 giờ 30 chiều) - 55K;
- 42K: xuất phát 7 giờ 30 sáng, tổng COT: 15 tiếng
CP5 - COT 8 tiếng (3 giờ 30 chiều) - 20.5K;
CP6 - COT 10 tiếng (5 giờ 30 chiều) - 27K.
- 21K: xuất phát 9 giờ 30 sáng, tổng COT: 8 tiếng
Do tất cả các cung đường đều trùng lên nhau, nói thì phức tạp nhưng các bạn xem hình là hiểu liền, nên BTC cố định các điểm CP và thời gian COT đều giống nhau. Điều này rất tiện theo dõi. Bài viết này tôi chưa có dữ liệu của 30k đầu tiên của cự li 100k nên sẽ bắt đầu bằng km thứ 70 của toàn bộ cuộc đua.
|
Các mốc đánh dấu các điểm xuất phát. Bạn nên in cao trình của các cự li mà mình thi, ép plastic lại, đính vào balo nước để tiện theo dõi. |
Xin được điểm qua tổng quát một lượt các Check Points được đánh số từ 1 đến 7. Riêng 3 CP của 30k đầu của 100k sẽ là 101, 102 và 103.
|
Điểm phân bổ các CP. Sao đỏ là nơi dặt các COT. |
1. Check Point 1:
- Cách vị trí xuất phát: 12.3K.
- Thời gian dự kiến hoàn thành: 2 tiếng - 2 tiếng 30.
- Độ khó: cấp 1.
Đây là đoạn đường theo tôi là dễ thở nhất vì đã có đến 6k chạy ở đường nhựa. Chạy trong đêm nhưng với đèn pin (bắt buộc) và không khí mát mẻ thành ra dễ chịu. Các con dốc chưa thực sự lớn. Lưu ý cẩn thận tránh ngã khi xuống dốc.
2. Check Point 2:
- Cách CP1: 9.4K.
- Quãng đường đã chạy được: 21.6K.
- Thời gian dự kiến từ CP1 - CP2: 2 tiếng - 2 tiếng 30
- Độ khó: cấp 2.
CP2 được bố trí trong một quán nước nên bạn có thể tranh thủ mua nước ngọt hoặc bánh trái lặt vặt. Cung đường có chạy băng qua và men theo các con suối nhỏ. Cẩn thận các rìa đá. Nếu bạn đấy CP2 lúc 9h (sau 5 tiếng chạy) thì lưu ý là chỉ còn 2 tiếng nữa để hoàn thành COT đầu tiên ở CP3.
3. Check Point 3 - điểm xuất phát Cự li 42K.
- Cách CP2: 8.5K
- Quãng đường đã chạy được: 30K.
- Thời gian dự kiến từ CP2 - CP3: 2 tiếng - 2 tiếng 30
- Độ khó: cấp 3.
Lưu ý đây là điểm COT đầu tiên. Thời điểm COT là 11 giờ trưa. Cung đường chạy mặc dù nhìn thì lên dốc liên tiếp nhưng không quá khó. Sau khi chạy ở đường để thấy dãy Hoàng Liên Sơn bên tay trái, Runners sẽ theo các đường siêu nhỏ để vào đường nhựa rộng rãi. Năm ngoái tôi mua hai quả lê 10K ăn ở đây ngon tuyệt. CP3 sẽ chỉ là cái lều nhỏ tạm có nước, chuối và sổ ghi thời gian thôi nhé. Các bạn 42K cũng sẽ xuất phát ở đây và tất cả đều tiếp tục hành trình xuống CP4.
4. Check Point 4
- Cách CP3: 12.2k.
- Quãng đường đã chạy được: cự li 70 - 42.2k / cự li 42: 14.2k.
- Thời gian dự kiến từ CP3 - CP4: 3 tiếng - 4 tiếng.
- Độ khó: cấp 5.
Cung đường này tôi ưu ái là đoạn khó nhất trên tất cả các chặng. Bùn ướt, bùn trượt, đường nhỏ là những trở ngại nhưng bù lại đây là đoạn siêu đẹp nhất trên tất cả luôn. Sương mờ ở thung lũng, suối nước hoan ca là những thứ mọi người có thể thấy. Trong cả hai năm, đây là những đoạn mà cảm giác mong chờ về đến trạm nghỉ là nhiều nhất (chắc tại đói quá nữa mà).
5. Check Point 5 - điểm xuất phát cự li 21K.
- Cách CP4: 6.3k.
- Quãng đường đã chạy được: cự li 70 - 48.5k / cự li 42: 20.5k.
- Thời gian dự kiến từ CP4 - CP5: 2 tiếng - 3 tiếng.
- Độ khó: cấp 4.
COT đầu tiên của cự li 42 và thứ 2 của cự li 70. Tất cả đều có hiệu lực lúc 3 giờ 30 chiều. Cung đường sẽ có phần đầu chạy trên các triền ruộng bậc thang, có năm có lúa năm không. Đoạn nào ruộng khô mà trơ cả gốc rạ thì quất chạy trên ruộng luôn. Lưu ý dùng gậy để tăng thêm thăng bằng vì rớt chân xuống ruộng mà kéo lên thì khả năng tuột giày là khá cao đó.
Sau khi chạy dọc theo bờ trái của con sông, chúng ta băng qua một xóm nhỏ, con đường quốc lộ 4D (tuyến đường Lào Cai - Sapa) rồi đến cái trạm (lều) của BTC. Năm ngoái, LDR đã có một sự hỗ trợ không hề nhẹ ở điểm này với mì tôm, xúc xích, trứng, hành ăn vào mà sướng hết cả người. Nhớ dừng kí tên ở chỗ BTC cách đó tầm chục mét và lưu ý cái bảng "7km tới lên dốc liên tục"
6. Check Point 6
- Cách CP5: 7.5k
- Quãng đường chạy được: cự li 70 - 56k / cự li 42: 28k.
- Thời gian dự kiến từ CP5 - CP6: 2 tiếng - 3 tiếng.
- Độ khó: cấp 4.
Sau khi lê lết, bò, trườn, chạy, đi bộ các kiểu để như tôi đã từng nói cách đây hai năm "qua cái đỉnh dốc này lại thấy cái dốc khác". Bề mặt đường không còn bùn đất các kiểu nữa vì ở đây xe máy vẫn chạy ngon lành. Năm ngoái có mấy bạn đi lạc xuống bờ suối vì có thể miếng đánh dấu đường bị các em di dời ra chỗ khác. Qua các đoạn có các cây tre cao chót vót là ta thả dốc để đến CP6. Tôi gọi là CP mì tôm vì năm 2014, đây là nơi tôi ăn mì tôm ngon nhứt, húp hết sạch cả nước lẫn cái.
CP6 cũng là nơi đặt COT cuối cùng cho toàn bộ hành trình. Thời gian là 5 giờ 30 chiều. Bên cạnh quán sẽ có cái xe ye tế. Bạn nào không xong cái này là a lê hấp, lên xe về Topas cách đó chừng 5 cây số.
7. Check Point 7
- Cách CP6: 7k
- Quãng đường chạy được: cự li 70 - 63k / cự li 42: 35k.
- Thời gian dự kiến từ CP6 - CP7: 1 tiếng 30 - 2 tiếng 30.
- Độ khó: cấp 2.
Là đoạn đường duy nhất với việc thả dốc đúng nghĩa từ cao xuống thấp. Cũng nên cẩn thận vì các chấn thương có thể xảy ra khi đổ đèo. Đường đẹp và thấy ai có ý chụp ảnh thì tranh thủ tạo dáng luôn.
8. Check Point 8 và về đích.
Là một điểm đặt thêm khi vừa băng qua đỉnh Silverstone huyền thoại. Dốc Silverstone thì khỏi nói nữa nhé vì tôi cũng khoái cái hình tượng Vùng Xác sống (Zombie Zone) để có thể tả về cảnh vượt con dốc. Tôi hai năm năm nào cũng trên đỉnh núi lúc ngày đã tàn thành ra đúng nghĩa là mò mẫm để xuống dốc và tránh các hòn đá có thể trượt.
Rồi đường nhựa, rồi ánh đèn Topas, nhạc dập dình cũng là lúc tất cả mọi người cùng nhau chúc mừng rồi đó.
Lời bạt cuối: tất cả những nhận xét và đánh giá trên của tôi đều là tự cảm nhận của cá nhân. Để có một thi an toàn và thành công, bạn cần phải chuẩn bị thật kĩ từ check list các vật dụng, sức khỏe, tinh thần. Đây là một cuộc thi khó thành ra bạn càng đầu tư vào nó thì kết quả của bạn càng ngọt ngào.
Chúc tất cả may mắn trên núi rừng Tây Bắc