Ba Môn Phối hợp (Triathlon)

Ba Môn Phối Hợp BLOG

  • Trang chủ.
  • Chủ Trang.
  • Tài Trợ.
  • Lịch thi và Kết quả.
  • Đánh Giá Sản phẩm.

Một thương hiệu Xe đạp tốn bao nhiêu tiền cho một đội đua?

Tiếp theo Phần 1, mình xin được dịch bài khá mới (Tháng 5/2020) về nội dung như tựa. Bản gốc bạn có thể xem ở đây.

Paolo (không phải tên thật) là một nhân viên cấp trung làm việc trong một đội World Tour. Anh ấy đã có rất nhiều năm làm việc trong môi trường xe đạp đường trường. Là một người trầm tính, và điều đó phù hợp với tính chất công việc của anh ấy. Sau khá nhiều lần gợi mở, tôi mới có thể hướng được anh ấy nói về câu chuyện tài chính được tài trợ bởi các nhãn hàng xe đạp tài trợ cho một đội. 

Chúng tôi bắt đầu bằng những dòng về lịch sử các giải đấu, rồi đến chi phí và sự tăng trưởng chóng mặt từ những năm 90 đến nay. Từ từ, chúng tôi đi sâu vào hơn cấu trúc chi tiết của các khoản. Để hoàn thành bài viết này, tôi (tác giả bài viết) đã gặp Paolo 4 lần trong khoảng 2 năm và bạn đọc đang đọc bài viết này thông qua các tổng hợp ghi chú của tôi, không hẳn là các nguyên văn của Paolo. Dù vậy, tôi cũng đã cố gắng trung thành nhất với nội dung và cách biểu đạt của Paolo trong suốt các lần gặp mặt.

Chắc hẳn bạn có nghe đến Omerta (Luật im lặng) về doping trong giới đạp xe. Nhưng cũng có một bức tường dựng lên che đậy câu chuyện về tài chính, đặc biệt những cái như lương bổng và số tiền tài trợ.

Ai cũng biết tài chính là chuyện sống còn của bất kì một tổ chức nào. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để quyết định lựa chọn các đội thuộc hệ thống Pro Continential (tạm gọi đội hạng 2) có được suất đặc cách (wildcard) để thi đấu ở hệ thống UCI World Tour (như Tour de France). Suất thì có giới hạn nhưng nhu cầu thì luôn có tầm cả tá đội xếp hàng chờ chực như lũ linh cẩu háu đói vậy.

Tuy nhiên, mạnh thường quân thì rất rất khan hiếm cộng thêm các yếu tố từ hậu trường hết sức phức tạp dẫn đến các cáo bạch về tài chính, quỹ lương cho cua rơ, nhân viên đoàn, chi phí hoạt động nên tất cả đều nằm trong một vùng kín đầy bí ẩn. 

Luôn luôn như vậy!

"Về chính thức, không ai được biết NHƯNG không chính thức thì ai ai cũng biết cả. Bởi vì cùng trong giới, ai cũng biết nhau hết cả mà". Paolo nói. Và với một người đã từng lăn lộn nhiều năm trong nghề và có cả bố cũng là người hoạt động trong cùng bộ môn và thường xuyên đi theo cùng các đội, Paolo lớn lên cùng với những chiếc xe đạp đua, đầu tiên là cấp độ trẻ, rồi lên đội bán chuyên rồi lên hạng chuyên nghiệp và thi đấu trong màu áo các đội đua Continential (hạng 3) mà ít người biết đến.

Paolo có lẽ không bao giờ trở thành một rouleur (kiểu tay đua toàn diện đua tốt ở mọi kiểu địa hình). Anh ấy giống hơn ở kiểu high-octane cronoman, kiểu tay đua một mình có thể kéo tay đua chủ lực băng qua 50km cuối cùng ở điều kiện ngược gió và luôn dừng bước nhường sân khấu lại cho người khác. Sau đó, thì lại thu mình lại trong bóng tối cùng với toàn đội. Và các hoạt động ấy diễn ra theo mỗi ngày, mỗi chặng, mỗi giải đấu kéo dài trong 6 năm thi đấu.

Nhưng chính những điều đó đã trui rèn anh thành một người lí tưởng làm việc trong các công việc hậu cần cho một đội đua. Đã kinh qua rất nhiều đội khác nhau, cuối cùng Paolo cũng có được công việc hiện tại ở một vị trí trong đội đua ở hạng cao nhất (World Tour - bây giờ được mang tên mới nhất là ProTour).

Mùa giải cứ thế đến rồi đi. Các đội mới được thành lập, sáp nhập, thay đổi và cả giải tán; nhưng những người đàn ông này (có cả phụ nữ) làm việc trong các đội từ cấp quản lí, thợ sửa chửa, hỗ trợ (soigneurs) cho đến giám đốc chuyên môn, bác sĩ, nhân viên massage và đến giới chóp bu đều vẫn đang ở lại. Như đã nói, tất cả đều biết lẫn nhau chỉ khác là hôm nay họ ở đội này, mai lại thuộc quản lí của nhóm khác. Dần dần, Paolo cũng biết hết tất cả và ngược lại. 

Do vậy, khi hỏi về ngân sách cho một giải Tour de France, Paolo chỉ thoáng dừng để suy nghĩ rồi trả lời "Khoảng tầm 80-120 triệu, tính cho tất cả từ đội World Tour cho đến các đội Pro Continential, nhưng bằng Euro chứ không phải Dollar nhé". Và anh thêm "đó là mới tính về xe đua được trang bị và phụ tùng đi theo thôi ấy".

2020 WorldTour bikes guide | Who's riding what this season - BikeRadar

LÀM THẾ NÀO MÀ PHÍ TÀI TRỢ TĂNG GẤP 3?

"Hồi trước, điều này dễ lắm. Các nhà tài trợ chính như các thương hiệu sản xuất kem, máy rửa chén hay các đại gia công ty xổ số kiến thiết, họ mang đến cả một núi tiền. Lúc đó, phí để có tên trên áo đội đua rẻ lắm, tầm 1-1.2 triệu Euro thôi". (xin lưu ý, đây chỉ là tiền mặt không bao gồm giá trị quy đổi từ sản phẩm). 

Tuy nhiên đến đầu thế kỉ 20, có ba điều quan trọng đã xảy ra và vĩnh viễn thay đổi các nền tảng của bộ môn đua xe đạp này.

Đầu tiên, là việc điều tra và phanh phui ra một loạt các vụ scandal liên quan đến Doping, bắt đầu từ sự việc đội đua Festina năm 1998 và nổi bật nhất là bản cáo trạng của USADA dành cho tay đua Lance Amstrong và đội U.S Postal Service vào năm 2012. "Rất nhiều nhãn hàng đã rút lui mãi mãi và những người vẫn còn bám trụ lại thì sẽ không còn dám vung tiền nhiều như trước". Paolo nói. Đây cũng là lúc các thương hiệu Xe đạp bắt đầu lấp vào chỗ trống này.

Paolo do dự một chút và cân nhắc lại những gì sắp nói tiếp. Tiếng Anh của anh ấy rất hoàn hảo, nhưng âm vực này có một chút tiếng Pháp, chút tiếng Ý và biết đâu đó lại là vùng Flander hoặc Đức cũng nên. "Điều thứ hai là doanh số bán hàng của mục xe đạp leo núi khá ì ạch ở Mĩ và các công ty trước đây chưa có mặt trong đua xe đạp Road này bắt đầu muốn tham gia. Người Mĩ thì không biết gì nhiều về xe đạp từ trước đến nay và giải duy nhất bật trong đầu họ là Tour de France". Paolo nhìn tôi dò xét thêm và bổ sung "vì vậy, các đội đua nằm trong hệ thống được thi đấu TdF nằm trong tầm ngắm của họ".

Cannondale là thương hiệu lớn đầu tiên của Mĩ tham gia tài trợ cùng với đội đua Saeco (cà phê) năm 1997. Tiếp theo đó là đến Trek và Giant lần lượt xuất hiện trên áo đấu của đội U.S Postal Service và ONCE. Specialized cũng nhập hội cùng với team Festina sau đó.

Số lượng các nhãn hàng tăng lên nhưng số suất tham gia mỗi mùa là cố định (18 đội) nên chính vì vậy gần như giá cả tăng phi mã chỉ trong vòng thời gian ngắn. Điều này kéo theo số tiền tài trợ cho mỗi đội đã gấp đôi lên thành 2.5 triệu Euro.

Điều thứ ba, vào năm 2005, UCI công bố điều kiện tiêu chuẩn để trở thành một ProTour mô phỏng theo mô hình của hệ thống thi đấu đua xe F1, điều này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho việc kiếm tiền dành cho các đội đua và những điều mà chúng ta đang thấy ngày nay. Để có một giấy phép thi đấu ở thể thức cao nhất, ngân sách hoạt động bị đội lên rất nhiều. Các đội đua cũng từ đó đề cao tính chuyên nghiệp, "sạch" và cũng yêu cầu các nhà tài trợ phải cam kết đầu tư dài hạn, cỡ 4 năm. Tất cả những điều này làm chi phí tăng lên chóng mặt.

Cũng giống như F1, ý định của UCI là nâng tầm chất lượng bộ môn xe đạp và điều này thực sự đã thành công. Các đội gần như đầu tư rất nhiều để có những tài năng và chiến lược để gắt hái thành công. Chính vì vậy, quỹ lương phình ra và cứ thế. Để rồi, hiện tại phí tài trợ của một nhãn hàng xe đạp rơi vào tầm 3,2-4,5 triệu Euro, nhiều gấp 3 lần so với 20 năm trước đây.

NHƯNG CHỪNG ĐÓ VẪN CHƯA ĐỦ

"Đối với mỗi đội đua World Tour, tiền mặt tài trợ là 3,2-4,5 triệu Euro. Thấp hơn một chút là các đội đua hạng Pro Continential, rơi vào tầm 2,1-3,5 triệu Euro. Còn đối với Nhà tài trợ Chính (Title Sponsor) con số này là 6 triệu Euro và đồng tài trợ sẽ là 4-5.5 triệu Euro."

Ngoài ra, đội đua phải được trang bị thêm xe. Paolo nhấn mạnh vào từng chữ của mình. Trước đây, ỗi một mùa giải, mỗi đội sử dụng khoảng 120-180 xe. Bây giờ, chỉ riêng số lượng cua rơ trong đội trung bình là 30 người, thì số lượng xe đạp phải được trang bị là hơn 200 chiếc, chưa kể phải thay thế những chiếc bị hư hỏng do tai nạn lúc tập luyện và thi đấu. Mỗi một cua rơ giờ có trong tay khoảng từ 4-6 xe để sử dụng nào là dùng cho những chặng đường thông thường (all-rounder bike) cho đến những chặng tính giờ và có thể phải đổi xe cho những chặng đường núi nữa. Tất cả đều dùng bộ Groupset điện, cũng có ít xài cơ nhưng ít lắm và cho các giải đặc biệt như Paris-Roubaix mà thôi.

Anh ấy dừng lại chút, "và khi xe phanh dĩa quay trở lại, số xe lại tăng lên nhiều ấy chứ". (Khi bài viết này được ấn hành thì phanh dĩa đã chính thức được chấp thuận và Paolo không phải fan của thể loại này).

Thông thường, các nhà tài trợ xe đạp sẽ quyết định việc sử dụng thương hiệu phụ tùng đi theo. Tuy nhiên, khoảng 3-4 đội được tài trợ riêng từ các hãng phụ tùng lớn (2016) và điều này cũng làm phật lòng các nhãn hàng tài trợ xe đạp. Các nhà cung cấp phụ tùng này thì luôn muốn cấp trọn bộ trên xe từ Groupset cho đến Yên, Giày và họ cũng muốn deal trực tiếp đến đội đua chứ không qua các hãng khác.

Các nhà tài trợ xe đạp muốn thống nhất lại cũng có nguyên nhân của nó. Paolo nhấn mạnh. Họ có thể thu hồi được một phần vốn đầu tư bằng cách bán lại các vật dụng phụ tùng trên xe cho các nhà tài trợ phụ (áo quần, tất, nón, dinh dưỡng, phục hồi). Điều này có 3 tác dụng mà tất cả các bên đều thấy có lợi.

Đối với hãng xe đạp thì rõ ràng sẽ ít hơn chi phí đầu tư ban đầu vào (từ 1/4 - 1/2 triệu euro) và thu hồi vốn từ việc bán lại. Đối với nhãn hàng phụ, ngoài việc tham gia ở một sân chơi đẳng cấp cao nhất, nó còn mở đường cho việc hợp tác lâu dài và có thể đi đến việc hợp tác OE (Original Equipment) với các hãng xe và thường kéo dài trong suốt thời gian tài trợ. Thi thoảng, thỏa thuận có thể kéo dài đến các sản phẩm không liên quan đến xe đạp và về chung một mái nhà. Điều này sẽ giúp gia tăng Doanh số của sản phẩm của nhà tài trợ phụ và ngược lại các hãng xe cũng có quyền được mua với một mức giá chiết khấu nội bộ. Đó là một phần của trò chơi này.

Như vậy, với thỏa thuận này, hãng xe có thể cung cấp trọn gói các mặt hàng cho đội đua và giá sẽ hợp lí hơn. Chi phí cuối cùng không được rót vào đội đua nhưng cũng là một yếu tố quan trọng để tính vào ngân sách là Chi phí Marketing, hay còn được gọi Hỗ trợ Kĩ thuật. Đây là một khoản cực lớn cho lương của các nhân viên, rồi chi phí đi lại toàn cầu theo chân các giải. Những nhân viên này (thực chất là các nhà thầu) đại diện cho lợi ích của các nhà tài trợ đối với các đội đua.

Tổng những chi phí tiền bằng tiền mặt liên quan đến tài trợ sản phẩm, Marketing cho mỗi đội ước tính 4-5.5 triệu Euro nữa.

Mùa giải 2020 này có tất cả 22 đội đua (3 đôi đặc cách) và có 19 hãng xe chuẩn bị lăn bánh (chỉ có 3 hãng xe tài trợ 2 đội (Canyon, Specialized và Willier). Mỗi hãng xe đầu tư dự kiến từ 15 triệu Euro cho gói Hợp đồng 3 năm và đặt cược vàothành công của đội đó. Và như mọi doanh nghiệp, họ cũng rất mong muốn đây là một cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng của họ. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác. 

Không có nhận xét nào:
Nhãn: bike, cycling

Các Nhãn hàng đứng sau các đội đua.

Series bài viết về Xe đạp.


Nhân mùa tựu trường Tour de France (TdF) sắp diễn ra, mình làm một series các bài viết như sau đi:
Bài 1: Các Nhãn hàng đứng sau các đội đua.
Bài 2: Các Nhãn hàng bắt tay với các đội đua như nào?
Bài 3: Tài trợ - Lương lậu.
Bài 4: Thị trường xe đạp Việt Nam. Haiza!
---------------------
Bài 1: Các tên tuổi đứng sau các đội đua.
Trước khi nói về ai đứng sao bảo trợ các đội đua thì tôi nghĩ nên nhìn sơ qua chút "cách đặt tên" các đội đua.
Tây cũng như Ta mà thôi. Cái tên rất quan trọng và ông nào đứng trước, đứng sau cũng đều có cái lí của nó. Cái lí ở đây là ai chi nhiều tiền hơn mà thôi.
Chung quy lại các tên cũng chỉ có 3 dạng:
- Dạng A: do một ông bầu nào đó mê xe đạp quá nên bỏ tiền ra lập một đội.
- Dạng B: do một công ty Nhà nước đại diện bởi một công ty đứng ra để giới thiệu về vùng đất.
- Dạng C: cuối cùng là được tài trợ bởi các nhãn hàng độc lập hoặc liên danh lại với nhau để kiểu cộng sinh phát triển.
AG2R La Mondiale - C
Công ty Bảo hiểm nghe đâu lớn thứ 7-8 gì đó của Pháp và họ còn làm luôn quản lí quỹ lương hưu. Họ bắt đầu tài trợ đội đua năm 1997 và đến năm 2000 thì tài trợ toàn phần cho đội đua.
Astana - B
Là tên thủ đô của nước Kazakhstan nên biết ngay là dạng B. Đứng sau đội là một loạt các công ty Nhà nước và lãnh đạo đội là ngôi sao một thời Alexander Vinokourov (kiểu như Hữu Thắng bóng đá nhà mình vậy đó).
Bahrain–McLaren - B
Đội đua được lập nên bởi một thái tử tên dài dòng Nasser bin Hamad Al Khalif. Khác với mấy ông anh chơi đá banh sang chảnh thì ông này lại máu me các môn thể thao sức bền như đạp xe và 3 môn phối hợp (Bahrain Endurance 13). Ổng hiện là đương kim chủ tịch liên đoàn Olympic và tham gia với tư cách vận động viên.
Bora–Hansgrohe - C
Một ông làm bếp, hút mùi (Bora) kết hợp với ông chuyên làm đồ tắm (Hansgrohe). Ở Việt Nam thì Bora chưa có nhưng Hansgrohe thì đắt vô đối. Bạn thông cảm, vì đắt nên mới trả lương được cho VDV xe đạp hưởng lương cao nhứt thế giới là Sagan (cỡ 6 triệu Euro / năm).
CCC Team - C
Nhãn hàng này có mãi ở tận xứ Ba Lan, chuyên kinh doanh phân phối áo quần, giày dép (kiểu như Hoàng Phúc nước mình). Team này hồi trước của ông chủ BMC Andy Rihs. Sau ổng chết nên ổng bán lại cho một quái nhân Jim Ochowics.
Cofidis - A
Một công ty chuyên về tài chính tín dụng và cho vay tiêu dùng của Pháp. Khác với AG2R thì Cofidis sở hữu luôn đội đua này nên tôi liệt nó vào hạng A.
Deceuninck–Quick-Step - C
Sau bao nhiêu năm, ông bầu Patrick Lefevere vẫn trụ vững với tên tuổi của nhà sản xuất sàn gỗ Quick-Step đến từ Bỉ. Mối lương duyên của bà vợ sàn gỗ với biết bao đời chồng từ làm thuốc (OmegaPharma) đến đồ ăn thể thao (Etixx). Có năm ế chổng chơ đem quân đi đấu và đến giờ tái hôn với nhãn hàng chuyên làm cửa áp mái Deceuninck (từng vào xứ mình và fail rồi). Năm nay nhà cái đặt nhiều hi vọng nhất cho đội này ca khúc khải hoàn tại Paris.
EF Pro Cycling - C
Một trong những đội đua "trầy trật" nhất vì phải thay tên đổi họ quá nhiều lần. Tính ra thành lập từ 2003, đội này đã phải mang trên mình đến 16 tên gọi. Tôi chỉ nhớ team này ăn rồi đi Cannondale mãi mà không chịu đổi hãng khác.
Groupama–FDJ - C
Một ông trùm Bảo hiểm (lớn thứ 2 thế giới về Bảo hiểm tương hỗ) và một nghị chuyên xổ số, cá cược của Pháp bắt tay để cùng tài trợ cho đội đua 20 triệu rô kim mỗi năm.
Israel Start-Up Nation B(A)
Khi tin Chris Froome về với đội đua này thì cái tên đội đua lập tức nổi như cồn. Tác giả cũng vào web để em cái nước Do Thái này đang làm ăn cái gì. Đây cũng là một đội đua khá trẻ (lập năm 2014) và cũng khó định danh vào nhóm nào vì được đặt tên cho một quốc gia và lại đứng sau bởi 1 tỉ phú gốc Do Thái.
Lotto–Soudal - C
Thêm một đội đua quốc tịch Bỉ và tất nhiên đứng sau cũng là hai nhãn hàng của Bỉ. Lotto chỉ phục cho các khách hàng nói tiếng Pháp và Hà Lan. Trong khi đó các bạn đã có thể mua keo Silicone từ Soudal ở xứ mình được rồi nhá.
Mitchelton–Scott - C
Từ nhóm hàng chuyên về thuốc nổ (Orica) và Phân bón (GreenEdge), đội đua thấy dùng phân và bom thành công cho bón ruộng nho để làm rượu nên hãng Michelton thấy ngon quá nên thay thế hai ông trên vào lĩnh vực xe đạp nha.
Movistar Team - C
Tên tuổi này thì chưa có mặt ở nước mình nhưng xuất hiện khá nhiều trong các decal dán xe moto của Yahama. Hãng viễn thông này có mặt chủ yếu ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha thôi hà.
NTT Pro Cycling - C
Gốc gác thì ở tận Nam Phi (tên cũ Dimension Data, có ở VN) nhưng giờ giờ lại được đổi theo tên công ty mẹ là NTT (đại gia trong lĩnh vực viễn thông Nhật Bản). NTT thì cũng không xa lạ ở Việt Nam vì sở hữu khá nhiều công ty và bất động sản tên tuổi ở các thành phố lớn.
Team Ineos - A
Hai năm qua cái tên Ineos xuất hiện dày đặc từ xe đạp, bóng đá (tính mua lại Chelsea) rồi đến chạy bộ (sự kiện Sub 2h đình đám). Ở Việt Nam thì Ineos chuyên về mảng cung cấp Styren cho các hoạt động công nghiệp xe hơi, gia dụng.
CẬP NHẬT: Ineos vừa bỏ thêm chữ Grenadier, vốn là thương hiệu xe wagon vào khung xe cho giải năm nay. Hứa hẹn sẽ móc túi thêm một loạt khách nữa.
Team Jumbo–Visma - C
Đã có đội của Pháp, Bỉ thì phải có thêm Hà Lan nữa. Đây là sự kết hợp giữa siêu thị người Hà Lan và công ty phần mềm của Nauy.
Team Sunweb - C
Là website chuyên về du lịch, đặt phòng các kiểu của Đức.
Trek–Segafredo - C
Dường như mãi cũng có một cái tên trong ngành xe đạp đứng ra gánh team. Và sự kết hợp cùng với Segafredo, chuyên về cà phê cũng khá là lâu năm (từ 2016) cũng có thể là một điều lạ lẫm.
UAE Team Emirates - B
Cũng như ông hàng xóm vùng vịnh Bahrain ở trên (B) thì đội đua này sống hoàn toàn nhờ vào bầu sữa của hãng máy bay Emirates, một công ty thuộc sở hữu nhà nước và tài trợ rất nhiều cho các môn thể thao.
----------------
TÓM LẠI:
- Các nhãn hàng này đều khá lạ lùng với người dùng nước mình hoặc nếu có đều được định vị ở một mức rất cao, người tiêu dùng đều khó và ước để với tới (như tôi).
- Xe đạp phát triển nhất ở châu Âu (hệ thống giải UCI cũng ở bển và 3 ông Grand Tours cũng ở đó) nên các nhãn hàng này cũng hướng đến người dùng bên đó. Mình biết thêm cho vui.
- Hi vọng bài sau, tôi có thể cung cấp cho bạn đọc thêm thông tin mỗi đội đua mỗi năm tiêu nhiêu tiền và tiền được rót như thế nào ha.
Không có nhận xét nào:
Nhãn: bike, cycling
Bài đăng cũ hơn Trang chủ
Đăng ký: Bài đăng (Atom)

IRONMAN Certified Coach

IRONMAN Certified Coach

Lục lọi ở đây.

Hoạt động Hàng tuần.

Hoạt động Gần nhất.

Lưu trữ Blog.

  • ►  2015 (123)
    • ►  tháng 3 (7)
    • ►  tháng 4 (41)
    • ►  tháng 5 (20)
    • ►  tháng 6 (9)
    • ►  tháng 7 (9)
    • ►  tháng 8 (7)
    • ►  tháng 9 (12)
    • ►  tháng 10 (5)
    • ►  tháng 11 (8)
    • ►  tháng 12 (5)
  • ►  2016 (44)
    • ►  tháng 1 (10)
    • ►  tháng 2 (2)
    • ►  tháng 3 (4)
    • ►  tháng 4 (4)
    • ►  tháng 5 (3)
    • ►  tháng 6 (6)
    • ►  tháng 7 (3)
    • ►  tháng 8 (5)
    • ►  tháng 9 (3)
    • ►  tháng 11 (4)
  • ►  2017 (4)
    • ►  tháng 4 (3)
    • ►  tháng 5 (1)
  • ▼  2020 (2)
    • ▼  tháng 8 (2)
      • Các Nhãn hàng đứng sau các đội đua.
      • Một thương hiệu Xe đạp tốn bao nhiêu tiền cho một ...

Nhãn

triathlon (98) ba môn phối hợp (95) triathlete (52) training (51) half-ironman (49) review (49) running (40) danang (35) ironman (34) bike (31) racing (30) swimming (30) weekly news (20) arena (14) su kien (13) ceepo_bike (9) cycling (9) newton (9) brick-workout (8) newbalance (8) challenges (7) nutrition (7) race_report (7) asics (6) shoes (6) trail (6) saucony (5) mizuno (4) Hue (2) hoian (2) ITU (1) coaching (1)

Nhà Tài Trợ

MUDE

MUDE

SUPTAMIN

SUPTAMIN

Khách đến thăm.

328,929